Cận thị là một vấn đề rất quan trọng
không chỉ vì tỷ lệ mắc cao mà còn gây ảnh hưởng xấu tới thị lực, gây ra những
biến chứng, làm tăng nguy cơ đe dọa tới thị giác (như rạn và bong võng mạc,
tăng áp lực nhãn cầu) gây tăng các chi phí cho gia đình, xã hội. Cận thị lại
thường xảy ra ở lứa tuổi trẻ. Cận thị gây ra sự giảm thị lực khi nhìn xa nếu
không được điều chỉnh, đó là một hạn chế trong lựa chọn nghề nghiệp. Ngoài ra,
các thay đổi ở phần sau của mắt cận thị là nguy cơ gây ra các tình trạng bệnh
lý khác của cơ quan thị giác. Sau đây chúng ta cùng tìm hiểu về bệnh cận thị.
1. Thế nào là cận thị?
Cận thị là tình trạng hình ảnh của vật được hội tụ phía trước
võng mạc, người mắc cận thị muốn nhìn rõ vật phải đưa vật lại gần hay gọi theo
cách khác là mắt nhìn gần.
Cận thị theo phương diện lâm sàng được
chia làm 2 loại:
Cận thị đơn thuần: hay còn được gọi là
tật cận thị, ở loại này chỉ có biểu hiện về tật khúc xạ nhưng cấu trúc nhãn cầu
vẫn bình thường. Trên lâm sàng mức độ cận thị thường ≤ 6 điốp.
Cận thị bệnh: ở loại này ngoài biểu
hiện của tật khúc xạ, nhãn cầu đã có những biến đổi về mặt cấu trúc như nhãn
cầu, củng mạc bị dãn phình khiến cho mắt bị lồi. Trên lâm sàng mức độ cận thị
thường > 6 đi ốp.
2. Nguyên nhân gây cận thị
- Yếu tố di truyền
Những trẻ bị ảnh hưởng do
di truyền thì từ 6 đến 12 tháng tuổi sẽ bắt đầu bị cận thị. Do đó cận thị do di
truyền thường được phát hiện sớm từ khi trẻ mới bắt đầu đi học.
- Yếu tố môi trường, lối sống, thói quen sinh hoạt
Thường xuyên học tập, làm
việc trong môi trường thiếu ánh sáng là nguyên nhân hàng đầu gây nên tật cận
thị. Ngồi học sai tư thế, cúi thấp hay nằm ra bàn cũng làm tăng khả năng bị cận
thị.
Ngoài ra kích thước bàn ghế không phù hợp với chiều cao
của học sinh góp phần tạo lên tư thế xấu, gây đau mỏi lưng và tạo nên khoảng
cách nhìn quá gần gây mệt mỏi cho thị giác.
Cùng với sự phát triển của khoa học,
công nghệ thì các trò chơi giải trí trên máy tính, điện thoại, Ipad... cũng
ngày càng phổ biến. Việc ngày càng nhiều các em học sinh chơi sử dụng thiết bị
điện tử thay cho các hoạt động thể lực ngoài trời đã gây tăng gánh nặng cho
mắt, dẫn đến những tác động có hại cho cơ quan thị giác.
Không khám mắt định kỳ. Thông thường
chúng ta nên đi khám mắt định kỳ 6 tháng một lần để phát hiện sớm tật khúc xạ ở
mắt. Việc nhức mắt, mờ mắt, nhức đầu là dấu hiệu cho thấy mắt đang gặp vấn đề
do đó nên cho trẻ đi khám để phát hiện sớm và có hướng xử trí.
Chế độ dinh dưỡng chưa phù hợp. Yếu tố dinh dưỡng tuy không thể
làm giảm cận thị nhưng sẽ giúp tăng cường sức khỏe mắt, hạn chế tăng độ
với trẻ mắc cận thị học đường. Những thực phẩm như cá, trứng, cà chua, cà
rốt...chứa nhiều Vitamin A, B, E...ngoài việc cải thiện thị lực còn giúp phòng
ngừa các bệnh về mắt.


3. Dấu hiệu của cận thị
- Không nhìn rõ các
vật ở xa.
- Đọc sách ở khoảng cách
gần, nheo mắt khi nhìn các vật ở xa.
- Thường xuyên nhức đầu
khi đọc sách hay học tập trong khoảng thời gian dài.
- Chớp mắt hoặc dụi mắt
liên tục, nghiêng đầu để dùng một mắt nhiều hơn mắt kia.
4. Cách phòng tránh cận thị
Với những em bị cận thị, cha mẹ cần đưa
đi khám mắt thường xuyên để kiểm tra tiến triển của tật cận thị nhằm thay kính
kịp thời giúp nhìn rõ hơn. Việc không thay kính định kỳ sẽ khiến thị lực của
các em bị giảm sút, đeo kính sai độ khiến mắt phải điều tiết nhiều hơn, khiến
độ cận tăng nhanh hơn.
Tránh gây quá tải cho mắt: Khi đọc hoặc làm việc với công việc nhìn gần nhiều,
kéo dài cần phải sau mỗi khoảng 30 phút nên tạm nghỉ, đứng lên và nhìn ra xa
(ví dụ ngắm quang cảnh ở xa qua cửa sổ) khoảng 5 phút.
Chiếu sáng tốt: Đảm bảo ánh sáng đủ.
Tránh học tập chỉ có một nguồn sáng tại nơi học còn nơi khác trong
phòng tối. Tránh chói lóa từ mặt làm việc phản chiếu vào mắt do sử dụng nguồn
đèn từ phía trước mặt chiếu vào, tốt nhất nguồn sáng nên chiếu từ phía sau
(chiếu qua vai) hoặc chiếu từ phía tay không cầm bút.
Khoảng cách nhìn gần tốt nhất: Để thực hiện các công việc nhìn gần như đọc, viết và
các công việc khác nên đảm bảo khoảng cách nhìn đối với học sinh bé từ 25 – 30
cm, với học sinh lớn 35 – 40 cm.
Tư thế làm việc với công việc nhìn gần: Ngồi với tư thế thẳng trong trạng thái ngồi
tự nhiên, giữ khoảng cách phù hợp với công việc (như khoảng cách từ
mắt đến bàn; từ mắt tới sách, vở). Khi đọc, viết hoặc xem vô tuyến tránh nằm
(với các tư thế: nằm ngửa, nghiêng, sấp). Khi viết chú ý việc cầm bút sao cho
không bị che tầm nhìn dẫn đến phải nghiêng đầu, nghẹo cổ, vẹo người mới nhìn
được.
Khoảng cách xem vô tuyến: Nên xem vô tuyến với khoảng cách có độ dài bằng 7
lần độ rộng của màn hình (khoảng 8 – 10 feet {từ 244 tới 305 cm}), nên ngồi
thẳng và hạn chế thời gian xem vô tuyến đặc biệt là đối với trẻ em.
Hạn chế sử dụng thiết bị điện tử (máy tính, điện thoại, ipad...)
Sử dụng bàn ghế ngồi học đúng kích thước, đảm bảo ngồi học thoải mái,
chiều cao phù hợp.
Hoạt động ngoài trời: Tăng cường các hoạt động ngoài trời, điều này sẽ
giúp cho mắt nhìn xa, nhìn bao quát các phía. Vì vậy, hoạt động ngoài trời sẽ
giúp cho mắt khỏe hơn.
Đi khám mắt định kỳ để kịp thời phát hiện tật khúc xạ ở trẻ.
Ăn nhiều thực phẩm tốt cho mắt rau củ, trái cây tươi, thịt, cá. Giúp tăng cường sức khỏe
mắt, phòng tránh các bệnh về mắt.

./.